Hình phạt trong Luật Hình sự Luật_hình_sự

Luật hình sự mang đặc tính riêng của nó, đó là (1) Nêu ra cụ thể những hậu quả có thể xảy ra cho những ai không chấp hành nghiêm chỉnh và (2) nêu ra các yếu tố cấu thành tội. Những hậu quả có thể bao gồm tử hình, khổ sai (đánh đòn, hành hạ), cải tạo giam giữ hoặc không giam giữ (án treo cho tại ngoại) tùy theo các cấp thẩm quyền khác nhau. Thời gian cải tạo có thể từ vài ngày cho đến chung thân. Khi ra ngoài, tội nhân có thể còn chịu thêm thời gian quản thúc tại gia, hay phải báo cáo định kỳ với nhân viên tòa án tùy vào bản án. Phạm nhân có thể thương lượng với chính quyền về mức độ phạm tội, tội danh, án phạt... để đổi lại sự hợp tác, chỉ chứng hay cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng. Phạt và đền tiền cũng là một hình phạt phổ biến.

Tuy ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng năm mục đích sau đây được chấp nhận rộng rãi trong hầu hết các bộ luật hình sự về mặt trừng trị tội phạm: báo oán (trả oán), răn đe, vô hiệu hóa, giúp cải tà quy chánh và đền bù thiệt hại.

  • Báo oán (trả oán) - Phạm nhân phải chịu đau khổ dằn vặt trừng phạt do tội mình làm ra. Đây là một mục đích thường thấy nhất. Vì phạm nhân đã lạm dụng sai trái, hay gây ra tổn thất không đáng có cho những bên thiệt hại (làm lệch cán cân công bình xã hội) do đó luật hình sự phải đưa phạm nhân vào những tình huống khổ sai để làm quân bình cán cân công lý. Lý giải này dựa trên nguyên tắc: mọi công dân tuân theo luật pháp để mong được sự bảo vệ không bị giết hại, vì vậy nếu người nào bị kết tội giết người thì sẽ bị tước quyền được luật pháp che chở. Một người đi giết người thì có thể bị (nhà nước) giết lại. Giống như một cán cân bị lệch vì nhân mạng phải được đền bù bằng nhân mạng.
  • Răn đe - Có hai loại: răn đe cá nhân nhằm vào các phạm nhân với mục đích đưa ra mức phạt đủ nặng khiến những người này không dám phạm tội từ đây về sau. Còn răn đe xã hội nhằm vào toàn thể các công dân không trừ một ai với mục đích trừng phạt những ai đã phạm tội lẫn răn đe những ai có khả năng phạm tội.
  • Vô hiệu hóa - được thiết kế với mục đích đơn giản là đưa người phạm tội ra khỏi xã hội để bảo vệ xã hội khỏi bị ảnh hưởng bởi những tội phạm do phạm nhân gây ra, thể hiện bằng án tù. Đây là lý do chính quyền cho xây các nhà tù, các trại tập trung cải tạo giam giữ. Các án tử hình và các lệnh cấm (quản chế) cũng nhằm mục đích này.
  • Giúp cải tà quy chính - nhằm mục đích cải hóa phạm nhân trở lại thành một thành viên hữu ích trong xã hội. Phạm nhân phải trải qua một chương trình học tập, cải huấn (có hay không kèm giam giữ) ở nhiều mặt khác nhau để giúp phạm nhân nhận thức được sự sai trái những việc mình đã làm.
  • Đền bù thiệt hại - đây là một lý thuyết về trừng phạt hướng về nạn nhân. Mục tiêu là nhà nước đứng ra quyết định loại hình và mức độ đền bù cho những đau khổ thiệt hại lên mình nạn nhân. Ví dụ, phạm nhân trộm công quỹ thường bị phạt phải trả lại tiền đã biển thủ. Đền bù thiệt hại thường được kết hợp với các mục đích khác của luật hình sự và bắt nguồn từ các khái niệm tương tự trong luật dân sự.